Sự liên quan giữa quan hệ công chúng và quảng cáo, truyền thông
Ngày nay, nhu cầu định vị thương hiệu ngày càng tăng đòi hỏi các cá nhân, tổ chức hay doanh nghiệp đẩy mạnh quan hệ công chúng chuyên nghiệp. Đó cũng chính là bước đệm để thực hiện các chiến lược truyền thông, quảng cáo được hiệu quả hơn. Vậy quan hệ công chúng là gì? Mối liên kết giữa quan hệ công chúng với truyền thông, quảng cáo ra sao? Mời các bạn theo dõi bài viết dưới đây của Chin Media nhé!
Khái niệm quan hệ công chúng là gì?
Quan hệ công chúng (PR) là việc thực hiện các vai trò và chiến lược cụ thể nhằm tạo liên kết giữa tổ chức, công ty và cộng đồng, khách hàng, đối tác, nhà đầu tư và giới truyền thông.
Theo thông tin của Hiệp hội Quan hệ công chúng của Mỹ (PRSA): “Quan hệ công chúng là quá trình giao tiếp mang tính chiến lược nhằm xây dựng mối quan hệ cùng có lợi giữa tổ chức hoặc doanh nghiệp và công chúng”. Ngoài ra, nhân sự đảm nhận công việc quan hệ công chúng có trách nhiệm định hình và xác nhận tên tuổi thương hiệu doanh nghiệp trong quá trình hoạt động và phát triển.
Khái niệm quan hệ công chúng là các phương pháp và hoạt động giao tiếp do một tổ chức, cá nhân hoặc chính phủ sử dụng để nâng cao sự hiểu biết, xây dựng mối quan hệ tích cực với các đối tượng bên ngoài, giảm thiểu rủi ro về khủng hoảng tin tức trong doanh nghiệp.
Nghề quan hệ công chúng chính là xây dựng, cải thiện hình ảnh về một cá nhân, một công ty, chuyển tải thông tin tới giới truyền thông và thu hút sự quan tâm của họ. Nhân viên quan hệ công chúng cần có kỹ năng thuyết phục vì đây là vị trí đại diện phát ngôn cho một tập thể hoặc nhân vật có sức ảnh hưởng. Mặc dù hiệu quả không thể đánh giá bằng trên văn bản hay sản phẩm, việc tạo ra hình ảnh riêng và tăng thiện ý từ phía khách hàng, công chúng là những kết quả cuối cùng mà người làm quan hệ công chúng phải đặt được.
Vai trò chính của quan hệ công chúng trong hoạt động xúc tiến thương mại là giúp công ty truyền tải các thông điệp tích cực đến khách hàng, đối tác và xã hội. Sau khi các nội dung tới nhóm đối tượng đích thông qua PR, thông tin sản phẩm, hình ảnh thương hiệu dễ đi vào nhận thức của khách hàng hơn.
Trong các doanh nghiệp hiện nay, phạm vi hoạt động của nhân viên quan hệ công chúng rất rộng, đa phần tập trung ở các công việc: duy trì quan hệ với giới truyền thông, cơ quan chức năng, khắc phục khủng hoảng truyền thông, tổ chức các sự kiện đặc biệt,…Bên cạnh đó, nhân sự đảm nhận công việc này còn làm các công việc như chuẩn bị thông tin, tài trợ, hợp tác, từ thiện, đối nội, đối ngoại, …
Mối liên kết giữa quan hệ công chúng và quảng cáo
Quảng cáo là gì?
Quảng cáo được định nghĩa là hình thức tuyên truyền được trả phí hoặc không để thực hiện việc giới thiệu thông tin sản phẩm/dịch vụ, công ty hay ý tưởng. Quảng cáo là hoạt động truyền thông phi trực tiếp giữa người với người, trong đó người muốn truyền thông phải trả khoản chi phí cho các phương tiện truyền thông để đưa thông tin mang tính thuyết phục hay tác động đến nhận thức, hành vi của người nhận thông tin.
Quảng cáo là những nỗ lực chiến lược nhằm tác động tới khả năng tiêu dùng của khách hàng bằng cách cung cấp những thông điệp bán hàng theo nhiều hình thức khác nhau.
Quan hệ công chúng và Quảng cáo đều là những “mắt xích” trong “dây chuyền” hoạt động Marketing. Quảng cáo là để tăng sự hiện diện của sản phẩm, giúp doanh nghiệp quảng bá sản phẩm/dịch vụ tạo ra xu hướng in sâu vào tâm trí khách hàng. Bên cạnh đó, quan hệ công chúng là bảo vệ, xây dựng hình ảnh thiện cảm trong mắt công chúng. PR thì chú trọng vào việc người bên ngoài nói gì về mình, còn Quảng cáo thì chỉ cần giới thiệu về bản thân sao cho thật ấn tượng.
Ngành quan hệ công chúng và quảng cáo khác nhau như thế nào?
Quan hệ công chúng và quảng cáo có nhiều sự tương đồng về các môn học nền tảng và vị trí công việc.
Với ngành học Quan hệ công chúng, sinh viên được trang bị kiến thức để hiểu rõ hơn về chức năng và vai trò của báo chí đối với xã hội, doanh nghiệp, tổng quan về truyền thông qua các kênh báo chí, mạng xã hội và các quy trình hoạt động, sáng tạo truyền thông nhằm phục vụ cho quan hệ công chúng. Người học sẽ được tiếp cận với các phương pháp tác nghiệp của loại hình báo chí như: phóng sự, phỏng vấn, viết tin, bài PR,…
Còn với ngành học Quảng cáo sẽ là các kiến thức về chiến lược quảng bá sản phẩm, học tập nhiều kỹ năng nghiệp vụ như: Kỹ năng tiếp thị hiệu quả, kỹ năng truyền tải thông điệp, các kỹ năng liên quan đến thiết kế, quản trị quảng cáo…
Trên thực tế, nhân sự trong lĩnh vực quan hệ công chúng thường xuyên làm việc với báo chí, chính quyền, đối tác,… Xét về chuyên môn 2 ngành học có sự khác nhau, tuy nhiên quan hệ công chúng hay quảng cáo đều đòi hỏi khả năng sáng tạo, ý tưởng độc đáo trong công việc mới có thể đáp ứng được môi trường cạnh tranh khốc liệt trong bối cảnh thị trường kinh tế ngày nay. Ngoài ra, quan hệ công chúng và quảng cáo được kết hợp chặt chẽ sẽ tiếp thêm sức mạnh cho doanh nghiệp trong quá trình xây dựng thương hiệu.
Mối liên hệ giữa quan hệ công chúng và truyền thông
Truyền thông là gì?
Truyền thông là quá trình cung cấp, trao đổi, truyền tải và tương tác thông tin giữa hai hoặc nhiều đối tượng với nhau. Hoạt động này nhằm mang tới tri thức hay thông điệp nào đó cho các bên, từ đó góp phần thúc đẩy sự thay đổi hành vi, tư duy và nhận thức của người tiếp nhận thông tin. Ngành truyền thông gồm các lĩnh vực được chia thành 4 nhóm như sau:
- Truyền thông báo chí (Journalism): Báo hình, báo in, báo phát thanh, báo truyền hình, báo điện tử là các hình thức chính của truyền thông báo chí. Đây là kênh truyền thông cung cấp thông tin, phục vụ nhu cầu cập nhật tin tức và giải trí cho người đọc, người xem, người nghe.
- Truyền thông mạng xã hội (Social Media Communications): Truyền thông mạng xã hội sử dụng các công cụ social media như Zalo, Facebook, Twitter, Instagram, TikTok,…để lan tỏa thông tin, tạo xu hướng và các nội dung có tính lan truyền cao, tăng kết nối và tương tác trực tiếp với người dùng mạng xã hội.
- Truyền thông đa phương tiện (Multimedia & Digital Media Communications): Đây là ngành sản xuất những sản phẩm đa phương tiện (ấn phẩm đồ họa 2D, 3D, motion graphic, các định dạng video, âm thanh,… ) phục vụ mục đích truyền tải thông điệp truyền thông bằng hình ảnh hoặc video .
- Truyền thông tiếp thị (Marketing Communications): Đây là một khái niệm mới, nhằm chỉ việc sử dụng một hoặc nhiều kênh truyền thông là công cụ chính trong chiến lược quảng cáo. Một chiến lược marketing sử dụng nhiều công cụ truyền thông khác nhau sẽ truyền tải được một thông điệp xuyên suốt dưới nhiều hình thức được gọi là truyền thông tích hợp (Integrated Marketing Communications).
So sánh quan hệ công chúng và truyền thông
Giống nhau
Ngành quan hệ công chúng và truyền thông đều là những công cụ được sử dụng nhiều nhất, nhờ vào tính phổ biến và lan truyền rộng rãi thông qua các kênh truyền thông.
Một trong những công cụ làm PR hiệu quả nhất là tận dụng các kênh truyền thông: báo chí, mạng xã hội, các định dạng content đa phương tiện (video, hình ảnh, voice,…). Trong chiến lược truyền thông tổng thể của cá nhân, tổ chức hay doanh nghiệp PR thường được sử dụng trong một hoặc nhiều giai đoạn khác nhau. Ví dụ như ở giai đoạn nhận biết và ghi nhớ hình ảnh thường cần đến các hoạt động PR để tăng độ nhận diện thương hiệu. Tuy nhiên, trong giai đoạn push sales, doanh nghiệp có thể sẽ không đẩy mạnh PR như các giai đoạn trước đó.
Khác nhau
Điểm khác biệt có thể thấy rõ nhất giữa quan hệ công chúng và truyền thông là mục đích của mỗi công cụ. Cùng là sử dụng các kênh truyền thông để truyền tải thông tin, nhưng truyền thông là để lan truyền, dẫn dắt các thông tin có lợi cho cá nhân hoặc doanh nghiệp còn quan hệ công chúng là xây dựng hình ảnh với những characters (tính cách) nhất định cho thương hiệu. Tùy theo từng chiến dịch cụ thể, từng ngành hàng, từng nhóm đối tượng khác nhau mà những công cụ được sử dụng cũng khác nhau.
Mối quan hệ giữa quan hệ công chúng và quảng cáo, truyền thông có thể nói rằng là mối liên kết chặt chẽ không thể thiếu đối với doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm/dịch vụ phục vụ cộng đồng, xã hội. Nếu tận dụng tốt và phát huy hết khả năng của 3 hoạt động này chắc chắn sẽ giúp doanh nghiệp của bạn khẳng định được vị trí và gây dựng được lòng tin của khách hàng, đối tác và các cơ quan truyền thông. Hy vọng kiến thức của bài viết trên đây của Chin Media sẽ hữu ích cho các bạn. Đừng quên cập nhật website để không bỏ lỡ thông tin quan trọng nhé!