Vai trò của Fintech trong lĩnh vực tài chính tại Việt Nam 2023
Sự phát triển vượt bậc của ngành công nghệ nói chung và công nghệ tài chính (Fintech) nói riêng đã và đang mở ra nhiều cơ hội cho ngành tài chính tại Việt Nam. Vậy công nghệ tài chính là gì? Vai trò, cơ hội và thách thức mà ngành Fintech phải đối mặt hiện nay là gì? Cùng Chin Media tìm hiểu lời giải qua nội dung dưới đây.
Fintech là gì?
Fintech là viết tắt của hai từ financial (tài chính) và technology (công nghệ). Financial technology có thể hiểu là việc các doanh nghiệp sử dụng công nghệ để cải tiến hoặc tự động hóa các dịch vụ tài chính hay các quy trình công việc liên quan. Fintech phục vụ lợi ích của cả người tiêu dùng và doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực. Từ dịch vụ thanh toán, dịch vụ tín dụng, dịch vụ quản lý đầu tư, đến bảo hiểm.
Fintech không phải xuất phát từ các hệ thống tiền tệ hiện có, mà nó đại diện cho sự xâm lấn của công nghệ thông tin vào các hệ thống tiền tệ đó.
Vì vậy, 1 doanh nghiệp tài chính bắt đầu áp dụng công nghệ vào hoạt động của mình, đó không được coi là fintech. Thuật ngữ này chỉ được sử dụng trong trường hợp ngược lại, cụ thể, khi một công ty công nghệ thông tin triển khai dịch vụ trong lĩnh vực tài chính, tiền tệ.
Ví dụ như ngân hàng ACB One đưa ra phần mềm ứng dụng điện thoại di động cho phép khách hàng giao dịch mobile banking thì không được gọi là Fintech nhưng nếu Công ty Chin Media phát triển tính năng mới của ứng dụng điện thoại di động cho 1 số ngân hàng nhằm gia tăng trải nghiệm số, đó được gọi là Fintech.
Vai trò của Fintech
Fintech đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tài chính toàn diện bằng cách: cung cấp các dịch vụ tài chính với chi phí thấp, mang đến nhiều tiện ích trải nghiệm cho khách hàng, quy mô và mức độ tiếp cận tốt hơn. Nó giúp giảm nguy cơ tiền giả, rửa tiền và quản lý tiền mặt cho các nhà quản lý. Đặc biệt, Financial technology còn có vai trò hỗ trợ các đối tượng yếu thế trong xã hội, đặc biệt là trong các tình huống thiên tai và dịch bệnh.
Fintech với ưu thế về đổi mới sáng tạo và khả năng ứng dụng công nghệ linh hoạt. Vai trò của Financial technology không chỉ giúp giảm chi phí cho doanh nghiệp mà còn mở rộng khả năng tiếp cận nguồn tài chính cho nhiều đối tượng khách hàng như:
- Tiếp cận tức thì: Công nghệ cho phép dịch vụ tài chính đến được mọi người ở bất kỳ nơi đâu.
- Chi phí thấp không đáng kể: Fintech cung cấp các dịch vụ tài chính hiệu quả hơn, giúp dịch vụ trở nên phù hợp với cả khách hàng có thu nhập thấp. Điều này tạo điều kiện cho nhiều người sử dụng dịch vụ tài chính hơn.
- Bảo đảm an toàn: Sử dụng Fintech giúp mọi người loại bỏ sự phụ thuộc vào tiền mặt, tạo ra môi trường tài chính an toàn hơn và minh bạch hơn cho cá nhân, doanh nghiệp và cả Chính phủ.
Thị trường Fintech tại Việt Nam hiện nay
Hiện nay, Việt Nam có một số lợi thế quan trọng về cơ sở hạ tầng cho Fintech: Theo Báo cáo của Appota (2021) về thị trường ứng dụng di động, Việt Nam nằm trong top 12 quốc gia có giá thành internet rẻ nhất trên toàn cầu và đứng thứ 2 ở khu vực Đông Nam Á về tốc độ internet trên điện thoại di động.
Theo Bảng xếp hạng trung tâm Fintech toàn cầu năm 2021, điểm Financial technology của Việt Nam xếp hạng thứ 70 trên thế giới. Hiện nay, Việt Nam đã có 48 công ty Fintech và 48% trong số đó hoạt động trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến hoặc các giải pháp thanh toán số cho khách hàng.
Về giá trị giao dịch, thị trường Financial technology Việt Nam đã chứng kiến mức tăng đáng kể, từ 4,4 tỷ USD vào năm 2017 lên 12,9 tỷ USD vào năm 2021 (The Iris, 2021).
Theo báo cáo của Fintech News Singapore (2021), thanh toán điện tử tại Việt Nam đã tăng 75% với tổng giá trị giao dịch tăng 124% so với cùng kỳ năm 2020. Ví dụ như giá trị thanh toán trên ví điện tử MoMo tăng gần gấp đôi chỉ sau một năm, kể từ tháng 01/2020.
Điều này cho thấy Fintech ngày càng đóng vai trò quan trọng và tạo ra nhiều cơ hội để thúc đẩy tài chính toàn diện ở Việt Nam.
Thách thức của ngành Fintech trong tương lai
Bên cạnh những cơ hội của Financial technology đối với thúc đẩy tài chính toàn diện ở Việt Nam được nhắc đến ở nội dung trên. Việc triển khai Fintech trong việc đạt tới mục tiêu tài chính toàn diện ở Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều thách thức:
- Nhận thức của người dân về Financial technology vẫn còn hạn chế và đối mặt với sự cạnh tranh từ những đối thủ có tiềm năng và nền tảng lớn.
- Hạn chế về hành lang pháp lý và sự phát triển chưa đồng đều của hạ tầng công nghệ ở các vùng sâu, vùng xa cũng là những rào cản đối với Fintech.
- Sự thuận tiện về cơ sở hạ tầng cho Fintech cũng đồng nghĩa với nhiều rủi ro về an toàn thông tin, do sự phát triển nhanh chóng và việc bỏ ngỏ các vấn đề liên quan đến vận hành và an toàn thông tin.
Thêm vào đó, theo báo cáo khảo sát của Ngân hàng Nhà nước (2021) cho thấy phần lớn các công ty Financial technology tại Việt Nam là các công ty mới thành lập và quy mô nhỏ. Cụ thể, 47% đang trong giai đoạn khởi động kinh doanh chưa đạt điểm hòa vốn, 13% đang trong giai đoạn phát triển mô hình kinh doanh, 9% đã đạt lợi nhuận.
Các sản phẩm nổi bật của Fintech
Các công ty Fintech được phân thành hai nhóm dựa trên chức năng và đối tượng:
- Nhóm 1: Dịch vụ cho người tiêu dùng: Cung cấp các giải pháp và công cụ kỹ thuật số để cải thiện trải nghiệm tài chính của khách hàng trong các hoạt động như vay mượn, quản lý tài chính và cung cấp vốn cho các startup.
- Nhóm 2: Dịch vụ phía sau (Back-office): Cung cấp các giải pháp công nghệ cho tổ chức phát hành và đại lý phân phối, bao gồm nhận diện người dùng, bảo mật thông tin và quản lý rủi ro.
Một số sản phẩm cụ thể và tiêu biểu của Fintech bao gồm:
Ví điện tử
Ví điện tử là giải pháp tài chính đã thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt của người Việt trong thời gian gần đây. Ví điện tử thường được liên kết với ngân hàng, người dùng có thể nạp tiền từ tài khoản ngân hàng và sử dụng để chuyển nhận tiền, thanh toán hóa đơn và mua sắm hàng hóa. Ngoài ra, ví điện tử còn hỗ trợ người dùng lưu trữ thông tin cá nhân thông qua mạng internet.
Trong vài năm trở lại đây xuất hiện một số ví điện tử phổ biến hiện bao gồm: Apple Pay, PayPal, VNPay, MoMo, Zalo Pay, ShopeePay…
Bitcoin
Bitcoin là một loại tiền điện tử phân cấp được nghiên cứu bởi Satoshi Nakamoto vào năm 2009 và được phát hành dưới dạng phần mềm mã nguồn mở. Việc giao dịch Bitcoin diễn ra trực tiếp thông qua các thiết bị kết nối internet mà không cần sự trung gian từ bất kỳ tổ chức nào. Ví dụ, một người ở Pháp có thể chuyển Bitcoin cho đối tác ở Việt Nam qua điện thoại di động có kết nối internet mà không cần thông qua ngân hàng hay tổ chức trung gian.
Khác với tiền tệ truyền thống, Bitcoin không có ngân hàng trung ương quản lý. Có nhiều sàn giao dịch Bitcoin được thành lập để người đầu tư có thể dễ dàng trao đổi và mua bán đồng tiền này.
Mobile banking
Trong lĩnh vực tài chính cá nhân, người tiêu dùng ngày càng có nhu cầu truy cập dễ dàng vào tài khoản ngân hàng của họ, đặc biệt là trên thiết bị di động. Hầu hết các ngân hàng lớn hiện nay đều cung cấp một số tính năng mobile banking, đặc biệt là với sự gia tăng của các ngân hàng số. Các ngân hàng số (neobanks) về cơ bản là các ngân hàng không có chi nhánh vật lý, phục vụ khách hàng với các dịch vụ kiểm tra, tiết kiệm, thanh toán và cho vay trên hạ tầng hoàn toàn di động và số hóa.
Một số tổ chức tài chính truyền thống hiện cũng đang tham gia cuộc chơi, áp dụng các dịch vụ fintech cho mục đích riêng của họ, được gọi là ngân hàng mở.
Cho vay Fintech
Fintech cũng đang cải thiện lĩnh vực tín dụng bằng cách tối ưu quá trình đánh giá rủi ro, tăng tốc quy trình phê duyệt và tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận dễ dàng hơn. Hàng tỷ người trên toàn thế giới hiện nay có thể đăng ký vay tiền trên thiết bị di động của họ, đồng thời các điểm dữ liệu mới và khả năng lập mô hình rủi ro đang mở rộng tín dụng cho các nhóm dân số chưa được phục vụ đầy đủ. Hơn nữa, người tiêu dùng có thể yêu cầu báo cáo tín dụng nhiều lần trong năm mà không ảnh hưởng đến điểm tín dụng của họ, làm cho toàn bộ hệ thống tín dụng trở nên minh bạch hơn đối với mọi người.
Tổng kết
Fintech mặc dù vẫn còn là lĩnh vực mới và gặp nhiều thách thức trên thị trường tài chính tại Việt Nam, tuy nhiên những cơ hội và vai trò mà Financial technology mang đến sẽ giúp ngành này phát triển mạnh mẽ.
Hy vọng với những chia sẻ này, Chin Media đã giúp bạn hiểu rõ hơn khái niệm Fintech và vai trò, cơ hội, thách thức mà ngành Fintech phải đối mặt hiện nay. Ngoài ra, để cập nhật thêm những kiến thức thú vị khác, bạn nhớ theo dõi Chin Media mỗi ngày nhé!