Gợi ý các bước marketing dịch vụ y tế hiệu quả dành cho Marketer
Nhiều bệnh viện, phòng khám, cơ sở y tế mong muốn thu hút bệnh nhân bằng việc marketing dịch vụ y tế song chưa biết nên bắt đầu từ đâu hoặc không biết vì sao đã triển khai nhưng chưa hiệu quả. Cùng Chin Media khai thác chuyên sâu về vấn đề này thông qua nội dung sau.
Marketing dịch vụ y tế là gì?
Marketing dịch vụ y tế nói nôm na chính là việc quảng cáo, tiếp thị sản phẩm (bao gồm dịch vụ và hàng hóa) thuộc lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khỏe. Việc quảng cáo này thường bao gồm các chuỗi hoạt động lớn nhỏ khác nhau, cả truyền thống lẫn trên các kênh online và mạng xã hội. Mục đích là giới thiệu, tiếp cận và nâng cao sự nhận biết của khách hàng về sản phẩm, dịch vụ của thương hiệu.
Thông qua đó, lòng tin giữa thương hiệu và khách hàng được củng cố bằng việc thương hiệu mang đến giải pháp cho vấn đề sức khỏe của khách hàng, và đổi lại, doanh thu của thương hiệu không ngừng tăng lên. Nói về mục tiêu sâu xa hơn, marketing dịch vụ y tế được xem là phương thức nâng cao nhận thức của người dân trong việc chăm sóc sức khỏe.
Đặc thù marketing dịch vụ y tế
Marketing dịch vụ y tế khiến nhiều doanh nghiệp và marketer đau đầu vì đặc trưng liên quan đến sức khỏe và tính mạng con người. Việc này đòi hỏi phải kết hợp giữa nền tảng kiến thức chuyên môn kết hợp các giải pháp marketing. Mặt khác, với tính chất ảnh hưởng và liên quan trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng con người nên việc marketing y tế chịu khá nhiều sự chi phối từ quy định, pháp lý của các đơn vị có thẩm quyền lẫn tiêu chuẩn, chính sách của các nền tảng mạng xã hội. Nhìn chung, một số đặc thù marketing ngành y tế được mô tả cơ bản như sau:
- Hạn chế sáng tạo so với các ngành hàng khác: Thông thường, việc marketing cho một số ngành hàng luôn yêu cầu sự sáng tạo, bay bổng trong từng câu chữ hoặc cách thức tiếp cận khách hàng. Song đối với dịch vụ y tế, marketer hầu như phải tự đặt ra các giới hạn để không vượt phạm vi chuyên môn, có thể sáng tạo nhưng vẫn phải đảm bảo tính chính xác lẫn phù hợp với hình ảnh đáng tin cậy của thương hiệu. Do đó, việc này đòi hỏi marketer phải tinh tế, khéo léo và có sự am hiểu nhất định trong quá trình sáng tạo.
- Đòi hỏi uy tín cao: Do đặc thù liên quan đến sức khỏe và tính mạng con người, doanh nghiệp hoặc cơ sở cung cấp dịch vụ y tế phải được xác minh là có độ uy tín cao. Việc xác minh có thể thông qua đánh giá khách hàng, chứng nhận của cơ quan có thẩm quyền hoặc trải nghiệm quá trình thăm khám, trình độ chuyên môn của bác sĩ và khả năng bảo mật hồ sơ bệnh án,…
- Cần nhiều thời gian chuẩn bị: Marketing dịch vụ y tế hầu như ít có trường lớp đào tạo bài bản nên đa phần marketer đều cần khá nhiều thời gian để nắm vững kiến thức chuyên môn và sản phẩm, dịch vụ,… trước khi bắt tay triển khai kế hoạch.
- Không phải nhân sự y tế nào cũng “mở lòng” tiếp cận marketing theo xu hướng mới: Không chỉ riêng nhân sự y tế, nhiều khách hàng cũng cảm thấy xa lạ khi một bệnh viện truyền thống bắt đầu xây dựng thương hiệu và quảng bá nhiều hơn trên mạng xã hội. Do đó, việc marketing dịch vụ y tế đòi hỏi cần nhiều thời gian để nhân sự y tế và bệnh nhân hiểu và chấp nhận.
>> Xem thêm bài viết: Quy tắc 5 đúng trong marketing dược mà marketer nên nắm vững
Vì sao marketing dịch vụ y tế trở nên cần thiết?
Marketing dịch vụ y tế ngày càng trở nên cần thiết trong bối cảnh xã hội hiện nay. Điều này không những mang đến cơ hội gia tăng doanh thu cho doanh nghiệp, phòng khám, cơ sở y tế,…mà còn là giải pháp nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc chăm sóc sức khỏe chủ động và kích cầu dịch vụ y tế.
Xây dựng thương hiệu cá nhân bác sĩ
Ngày nay, người dùng dễ dàng bắt gặp hình ảnh các bác sĩ, nhân viên cơ sở y tế trên mạng xã hội với những video giảng giải thông tin, kiến thức bệnh học hoặc giới thiệu các giải pháp y tế mới nhất,… Một số bác sĩ thuộc nhiều lĩnh vực đã nhận được sự ủng hộ và trở nên nổi tiếng trong cộng đồng như bác sĩ Cao Hữu Thịnh, bác sĩ Mập Hồng,… Do đó, các phòng khám có lịch công tác của họ dường như được nhiều người biết đến và ghé thăm khám với số lượng nhiều hơn.
Có thể nói rằng, các cơ sở y tế muốn hoạt động và phát triển tốt thì những hạt giống tốt là điều tiên quyết, mà ở đây là đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế với chuyên môn cao, được nhiều người biết đến đồng thời có nhiều thành tích trong quá trình công tác cứu chữa bệnh. Việc marketing dịch vụ y tế kết hợp xây dựng thương hiệu cá nhân bác sĩ là hướng đi được nhiều bệnh viện, phòng khám lựa chọn để quảng bá chuyên môn, thu hút khách hàng.
Xu hướng marketing y tế online
Không thể phủ nhận rằng, ngày nay các cơ sở y tế công ngày càng tự chủ, “mở lòng” hơn với marketing hiện đại. Cùng với đó, sự phát triển mạnh mẽ của các cơ sở, phòng khám tư nhân đã tạo nên bối cảnh cạnh tranh lớn trong ngành. Đặc biệt khi công nghệ 4.0 lên ngôi tạo điều kiện thuận lợi cho việc thăm khám, đăng ký điều trị bệnh trực tuyến, việc marketing dịch vụ y tế cũng trở nên cần thiết để đáp ứng kịp thời, đúng và đủ nhu cầu của khách hàng.
Mặt khác, dựa trên hành vi người dùng, thói quen tìm kiếm thông tin trên Internet khi có những dấu hiệu bất thường về sức khỏe, marketing dịch vụ y tế là hướng đi đúng đắn để tiếp cận và hướng dẫn khách hàng khi đã có nhu cầu.
Quảng cáo, PR những cơ sở y tế uy tín
Ngày nay, quá trình thương mại hóa diễn ra ở đa số các ngành hàng, y tế cũng không ngoại lệ. Việc này mang đến những dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt, tiện nghi và những phác đồ cá nhân hóa tùy thuộc nhu cầu, điều kiện của bệnh nhân. Do đó, marketing y tế sẽ là phương thức kết nối người có nhu cầu đến với cơ sở cung cấp dịch vụ. Theo thời gian, những bệnh viện, phòng khám, cơ sở y tế uy tín sẽ phát triển theo cấp lũy tiến, được nhiều người biết đến hơn đồng thời hỗ trợ sức khỏe cho nhiều bệnh nhân hơn.
Xem thêm: 6 chiến lược marketing dịch vụ y tế mang lại hiệu quả cao cho các bệnh viện – phòng khám tư nhân
Gợi ý các bước marketing dịch vụ y tế hiệu quả
Tuy đòi hỏi kiến thức chuyên môn sâu song nhìn chung, cách thức marketing dịch vụ y tế cũng cần trải qua các bước cơ bản như sau:
Xác định đối tượng mục tiêu hướng đến
Đây được xem là bước quan trọng trước khi tiến hành marketing dịch vụ y tế. Vì nhìn chung, ngành y tế rất rộng với nhiều chuyên khoa khác nhau. Điều này đồng nghĩa với việc đối tượng mục tiêu hướng đến cũng khác biệt tùy theo giai đoạn và chuyên khoa. Nếu lựa chọn sai lầm, hệ lụy có thể khiến cả chiến lược marketing thất bại.
Ví dụ, marketer cần thực hiện đối tượng mục tiêu cho một bệnh viện mắt. Marketer nên dựa trên những dịch vụ bệnh viện cung cấp để xác định đối tượng mục tiêu. Nếu dịch vụ xoay quanh mổ mắt cận, mổ Lasik loạn thị,…thì đối tượng mục tiêu có thể là học sinh, sinh viên và phụ huynh có con trong độ tuổi thanh thiếu niên.
Nghiên cứu thị trường mục tiêu
Việc nghiên cứu thị trường mục tiêu bao gồm vị trí địa lý, đối thủ cạnh tranh, thị hiếu và hành vi tiêu dùng của đối tượng mục tiêu sẽ giúp marketer định hình được các điểm khác biệt, ưu điểm của thương hiệu. Dựa vào đó, các sản phẩm, dịch vụ của cơ sở y tế cũng sẽ được phát triển theo hướng độc bản mà không phải rập khuôn bất cứ thương hiệu nào trên thị trường.
Định hướng kênh và chiến lược marketing phù hợp
Bên cạnh đó, việc định hướng kênh và chiến lược marketing phù hợp cũng đóng vai trò khá quan trọng trong marketing lĩnh vực y tế. Ví dụ, ngày nay khá nhiều phòng khám da liễu, thẩm mỹ đã xây dựng chiến lược marketing lựa chọn nền tảng TikTok để tiếp cận đối tượng khách hàng trẻ, họ có nhu cầu tìm hiểu về làm đẹp và dịch vụ tại cơ sở cũng như theo dõi hiệu quả điều trị của các khách hàng khác trước khi quyết định đặt hẹn thăm khám.
Mặt khác, một số bệnh viện lớn có phương thức marketing hướng đến xây dựng website và SEO vì khách hàng mục tiêu của họ có xu hướng tìm kiếm thông tin bệnh học, cơ sở điều trị trên Google.
Một số lưu ý khi marketer làm marketing dịch vụ y tế
Bên cạnh những ưu điểm và gợi ý các bước marketing dịch vụ y tế, marketer cũng nên lưu ý những vấn đề sau để chiến lược được tinh tế, tỉ mỉ, góp phần thành công cao:
- Content marketing: Content là thứ không thể thiếu trong bất kỳ chiến lược marketing nào. Content còn đóng vai trò kết nối và xây dựng lòng tin giữa thương hiệu và khách hàng. Vì vậy, thay vì chỉ chăm chăm giới thiệu dịch vụ y tế, marketer nên xây dựng content linh hoạt, tích cực lan tỏa những thông tin sức khỏe hữu ích. Một số hướng content marketer có thể tham khảo như: cung cấp thông tin bệnh học, chia sẻ những nghiên cứu về một loại thuốc mới, mẹo sử dụng các cây thuốc dân gian hoặc trích dẫn phát biểu của các chuyên gia, bác sĩ về việc chăm sóc sức khỏe,…
- Kiểm soát chi phí: Đôi khi, việc mải mê chạy theo kế hoạch sẽ làm marketer quên mất ngân sách hạn chế. Vì vậy ngay từ đầu, marketer nên đặt ra những giới hạn về ngân sách cũng như dự trù những khoản chi phí phát sinh và không ngừng theo dõi xuyên suốt chiến dịch. Điều này góp phần khá lớn cho sự thành công của marketing dịch vụ y tế.
- Nhờ khách hàng để lại những đánh giá: Khách hàng thường không chủ động để lại bình luận, đánh giá tốt về dịch vụ tại cơ sở y tế. Do đó, marketer có thể nhờ khách hàng đưa ra những lời nhận xét khách quan nhất về quá trình trải nghiệm hoặc gửi tặng các ưu đãi, voucher, tặng phẩm trực tiếp cho mỗi lượt đánh giá tại Google, Facebook,… Đây còn được gọi là chiến lược User-generated content (UGC) – cơ sở để tăng độ nhận diện và tin cậy của thương hiệu đối với các khách hàng mới.
>> Xem thêm bài viết: User-generated content (UGC): Những lợi ích đa chiều
Tổng kết
Thông qua bài viết này, marketer đã nắm bắt được đặc thù, sự cần thiết của marketing dịch vụ y tế. Các bước marketing và lưu ý khi triển khai sẽ là công cụ hữu ích giúp marketing thực hiện, đo lường lẫn điều chỉnh để chiến dịch thành công, hiệu quả. Chin Media thường xuyên cập nhật các bài viết cùng chuyên mục tại blog, bạn đừng quên theo dõi nhé.