Event Tracking là gì? Thiết lập Event Tracking để làm gì?
Khi quản lý một trang web, người chủ sở hữu luôn muốn biết được nhiều thông tin về hành vi của người dùng trên website. Google Analytics Event Tracking chính là công cụ giúp họ tổng hợp những thông tin như thế. Cùng Chin Media tìm hiểu chức năng và các cách thiết lập một Event Tracking trong Google Analytics qua nội dung bên dưới.
Google analytics Event tracking là gì?
Google Analytics Event Tracking (trình theo dõi sự kiện của Google Analytics) là một tính năng hữu ích cho phép bạn ghi lại các tương tác của người xem với các phần tử trong website. Những tương tác này thường không sẵn có trên Google Analytics mà bạn phải tạo Event Tracking mới có thể xem được.
Chỉ cần thêm các đoạn mã vào trang web của bạn, bạn có thể theo dõi các tương tác để biết người dùng dành bao lâu để xem video, thậm chí là trường nào trên website của bạn mà người dùng dừng lại xem lâu nhất hay lướt qua.
Cài đặt Google Analytics Event Tracking để làm gì?
Trước khi chúng ta đi vào chi tiết về cách thiết lập một Event Tracking thì hãy xem xét một số thông tin mà Google Analytics Event Tracking này có thể tổng hợp cho bạn:
- Theo dõi các nhấp chuột liên kết đến các trang web khác.
- Tìm hiểu số lượng người dùng đã nhấp vào địa chỉ email hoặc số điện thoại điều hướng.
- Theo dõi số lượt tải xuống các file PDF và các phương tiện khác.
- Đo lường tương tác với nội dung video, chẳng hạn như thời gian xem, số lần xem,…
- Theo dõi chính xác vị trí trên trang web nơi người dùng thoát khỏi website.
- Giám sát các nhấp chuột vào lời kêu gọi hành động “liên hệ với chúng tôi” trên trang giới thiệu của bạn.
- Thu thập dữ liệu về số lượng người dùng đã điền và gửi biểu mẫu.
Event Tracking cho phép bạn thiết lập các mục tiêu cụ thể hơn trên Google Analytics để thông tin có giá trị cao hơn trong quá trình quản lý trang web của bạn.
Một số lưu ý trước khi bắt đầu cài đặt Event Tracking
Trước khi bắt đầu thiết lập trình theo dõi sự kiện, bạn nên xem xét các điểm sau:
- Có hai phiên bản mã theo dõi Google Analytics. Kiểm tra xem bạn là người dùng mã Universal Google Analytics (Analytics.js) cũ hay mã Google Analytics mới (gtag.js). Nếu đang dùng phiên bản cũ thì bạn nên chuyển sang phiên bản Google Analytics mới vì phiên bản mới được Google nâng cấp để chống lại tính năng ngăn chặn theo dõi thông minh (ITP) chặn dữ liệu cookie trong trình duyệt.
- Quyết định các yếu tố của trang web mà bạn muốn theo dõi.
- Áp dụng quy ước đặt tên nhất quán và rõ ràng cho các tùy chọn hành động, nhãn và danh mục khi thiết lập Event Tracking. Các tên bạn đặt cho từng danh mục, hành động và nhãn sẽ xuất hiện trong báo cáo của trình theo dõi sự kiện sau này. Nếu cách đặt tên của bạn không hợp lý thì sau này báo cáo của bạn sẽ không có ý nghĩa.
Google Analytics Event Tracking hoạt động như thế nào?
Một đoạn mã tùy chỉnh sẽ được thêm vào mã liên kết trên các mục bạn muốn theo dõi. Khi mục này được người dùng nhấp vào, nó sẽ hiển thị dưới dạng sự kiện trong Google Analytics.
Mã theo dõi sự kiện bao gồm bốn yếu tố mà bạn có thể xác định để mô tả tương tác của người dùng trên trang web:
- Danh mục sự kiện – Event Category (bắt buộc): Là tên bạn đặt cho một nhóm đối tượng bạn muốn theo dõi.
- Hành động của sự kiện – Event Action (bắt buộc): Là loại tương tác, hành vi của người dùng, chẳng hạn như tải tài liệu, xem video, dừng video,…
- Nhãn sự kiện – Event Label (tùy chọn): Là tên cụ thể của thành phần trang web bạn muốn theo dõi.
- Giá trị sự kiện – Event Value (tùy chọn): Có thể được sử dụng nếu bạn muốn chỉ định một giá trị bằng chữ số cho hành động tải xuống các file, thời gian xem video,…
Khi Event Google Analytics kích hoạt trên trang web của bạn, 4 thuộc tính trên có thể được sử dụng để giúp bạn hiểu chính xác những gì người dùng tương tác trên website. Như đã đề cập ở trên, điều quan trọng khi thiết lập sự kiện là phải suy nghĩ về các quy ước đặt tên được sử dụng cho các thuộc tính này vì chúng sẽ hiển thị trong Google Analytics.
Có bao nhiêu cách thiết lập Event Tracking?
Tùy thuộc vào số lượng sự kiện bạn muốn theo dõi hoặc mức độ kiểm soát bạn muốn đạt được đối với các thông số, bạn có thể thiết lập Event Google Analytics theo 2 cách: Thiết lập tự động bằng Google Tag Manager – Trình quản lý thẻ của Google hoặc gắn thẻ các liên kết trên trang web của mình theo cách thủ công.
Nếu bạn có nhiều tài liệu và muốn theo dõi nhiều phần tử trên trang web, Chin Media gợi ý rằng bạn nên sử dụng tính năng gắn thẻ sự kiện tự động trên Google Tag Manager. Tự động gắn thẻ sự kiện sẽ kích hoạt khi:
- Người dùng nhấp vào các liên kết.
- Nhấp vào bất kỳ loại phần tử nào trên website.
- Sau một khoảng thời gian truy cập nhất định hoặc vào các khoảng thời gian cài đặt trước.
- Khi gửi một biểu mẫu.
Google Analytics Event Tracking là công cụ giúp người dùng đo lường các tương tác trên trang web của họ. Giờ đây, bạn có thể dễ dàng thiết lập các sự kiện và kiểm soát các thành phần bạn muốn theo dõi để đề ra những chiến lược marketing tốt hơn cho website của mình.